AML (Anti-Money Laundering) và KYC (Know Your Customer) là các quy định được áp dụng để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp xâm nhập vào hệ thống tài chính. Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực tiền điện tử, AML và KYC lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng, các quy định về tiền điện tử AML và KYC bảo vệ người dùng như thế nào trong lĩnh vực tiền điện tử, hãy cùng VB Capital tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Nội dung chính
KYC là gì?
Trong nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, các tổ chức tài chính rất dễ bị tấn công bởi các hoạt động tội phạm bất hợp pháp. Bởi thế, các tiêu chuẩn về Know Your Customer (KYC) đã được ra đời để ngăn chặn gian lận, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Theo đó, KYC là một tập hợp các quy định được tạo ra bởi các ngân hàng và các tổ chức tài chính để giảm sự tấn công của các nhóm tội phạm. Các quy định này được đưa ra nhằm bảo vệ thông tin người dùng, giám sát các hoạt động của khách hàng và tăng độ tin cậy của việc xác minh danh tính.
Theo KYC, khách hàng phải cung cấp thông tin đăng nhập để chứng minh danh tính và địa chỉ của họ. Thông tin xác minh có thể bao gồm chứng minh nhân dân, xác minh khuôn mặt, xác minh sinh trắc học.
KYC là một quy trình quan trọng để xác minh khách hàng và đảm bảo rằng khách hàng có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ của nền tảng. Mục đích cuối cùng của KYC là xác nhận và đảm bảo rằng khách hàng không thể mạo danh để tham gia vào các hoạt động tội phạm. KYC hiện là bắt buộc đối với một số tổ chức, chủ yếu là các tổ chức tài chính.
Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính liên chính phủ (FATF) ước tính rằng trong năm 2009, số tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp được tạo ra từ buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức lên tới 3,6% GDP toàn cầu, với 2,7% (tương đương 1,6 nghìn tỷ USD) được rửa để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp. Thiệt hại của doanh nghiệp từ các giao dịch trực tuyến đã lên tới 25,6 tỷ đô la vào năm 2020, theo Juniper Research.
Sự cần thiết của KYC đã được đưa ra vào những năm 1990 để chống lại những vụ việc rửa tiền bất hợp pháp. Sau vụ tấn công 11/9, Hoa Kỳ đã thông qua luật nghiêm ngặt hơn về KYC như một phần của đạo luật chung
KYC được áp dụng trong lĩnh vực tiền điện tử như thế nào?
KYC trong lĩnh vực tiền điện tử là quy trình mà khách hàng bắt buộc phải tuân thủ để xác minh danh tính của người dùng và xác định những rủi ro có thể xảy ra trong các hoạt động tài chính. Các thông tin cần được xác minh có thể bao gồm: tên, ngày sinh, địa chỉ nhà, số chứng minh nhân dân,… tùy thuộc vào từng quốc gia. Các thủ tục nhận dạng này sẽ bảo vệ sàn giao dịch và hệ thống tài chính khỏi những hoạt động bất hợp pháp như: rửa tiền, gian lận và các nhóm tội phạm khác.
Việc sử dụng KYC giúp các sàn giao dịch tăng cường tính minh bạch và sự tin tưởng của khách hàng đối với nền tảng. Theo dữ liệu mới nhất đến từ Chainalysis, các nhóm tội phạm đã rửa 8,6 tỷ đô la tiền điện tử vào năm 2021, tăng 30% so với năm trước. Theo đó, việc xác minh danh tính có thể làm giảm đáng kể hoạt động gian lận và khắc phục được những điểm yếu của tiền điện tử trên thị trường.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp tiền điện tử đang ngày càng phát triển, các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu đang liên tục gây áp lực nhiều hơn lên các công ty cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số, buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy tắc tương tự như các ngân hàng truyền thống.
KYC là một trong những vấn đề được các công ty tiền điện tử đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây bởi vì ưu điểm của nền kinh tế phi tập trung cho phép khách hàng ẩn danh và giữ bí mật thông tin cá nhân. Đây là một trong những điều khiến các cơ quan quản lý rất lo ngại.
Chính bởi điều này, sàn giao dịch tiền điện tử Binance đã thông báo vào tháng 8 năm 2021 rằng khách hàng mới khi đăng ký tại nền tảng sẽ phải cung cấp ID chứng minh nhân dân và yêu cầu xác minh khuôn mặt để thực hiện gửi tiền và giao dịch. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và Nhật Bản cho rằng Binance không được phép hoạt động ở quốc gia của họ.
Sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử BitMEX đã thực hiện một động thái tương tự, yêu cầu khách hàng phải tuân thủ KYC theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Theo đó, việc thực thi theo KYC có thể giúp các nền tảng tài sản kỹ thuật số giải quyết những khó khăn đang gặp phải trong không gian tiền điện tử, chẳng hạn như các cuộc tấn công ransomware chặn quyền truy cập của người dùng vào máy tính hoặc mạng.
AML là gì?
Hoạt động rửa tiền là việc thực hiện các giao dịch để chuyển tiền thu được bất hợp pháp thành tiền hợp pháp. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp rửa tiền khác nhau và các phương thức này ngày càng tinh vi cùng với sự phát triển của công nghệ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiền được rửa chiếm từ 2% đến 5% GDP của thế giới (từ 800 tỷ USD đến 2 nghìn tỷ USD). Do đó, các cơ quan quản lý trên thế giới đang tăng cường áp đặt các quy định nhằm chống lại tội phạm tài chính và giảm thiểu thiệt hại của chúng. Rửa tiền thường đi kèm với các hoạt động như buôn lậu, bán vũ khí bất hợp pháp, tham ô, hối lộ, buôn bán người, vũ khí hoặc ma túy và các đường dây mại dâm.
Theo đó, Anti-Money Laundering (AML) bao gồm các chính sách, luật và quy định để ngăn chặn tội phạm tài chính. Hiện nay, nhiều các cơ quan quản lý trên toàn cầu và quốc gia đã được thành lập để ngăn chặn tội phạm tài chính. Theo đó, các công ty phải tuân thủ các quy định của AML.
Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) đã được thành lập tại Paris vào tháng 7 năm 1989 bởi một nhóm các quốc gia để thiết lập các quy định nhằm chống lại hoạt động tài trợ khủng bố sau vụ tấn công 11/9. Giống như FATF, IMF cũng ra quy định và yêu cầu 189 quốc gia thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để ngăn chặn tài trợ khủng bố.
Liên minh châu Âu cũng ban hành Chỉ thị chống rửa tiền đầu tiên vào năm 1990 để ngăn chặn việc lạm dụng hoạt động rửa tiền của hệ thống tài chính. Các quy định về AML của Liên minh Châu Âu liên tục được sửa đổi để giảm rủi ro liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, MASAK cũng đã thành lập một đơn vị tình báo tài chính vào năm 1997 để ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Tại Mỹ, Đạo luật Bảo mật Ngân hàng năm 1970 quy định rằng các ngân hàng phải báo cáo các khoản tiền gửi trên 10.000 USD cho các cơ quan quản lý. Các quy định tương tự cũng đang được triển khai trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa các khoản tiền tội phạm.
AML đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số
Vào năm 2014, FATF đã thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu về luật chống rửa tiền điện tử. Theo đó, FinCEN, Ủy ban Châu Âu và hàng chục tổ chức quản lý khác đã hệ thống hóa hầu hết các quy định AML về tiền điện tử của FATF.
Các sàn giao dịch tiền điện tử, tổ chức phát hành stablecoin, DeFi và thị trường NFT được FATF định nghĩa là công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Vì vậy, các nền tảng này phải tuân thủ các yêu cầu về xác minh khách hàng (KYC) và thường xuyên theo dõi hoạt động có dấu hiệu đáng ngờ để ngăn chặn các giao dịch bất chính có thể liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Để áp dụng AML đối với khách hàng muốn mở tài khoản trên sàn giao dịch tiền điện tử, nền tảng sẽ yêu cầu thông tin KYC để xác thực danh tính của người dùng trước khi cấp cho khách hàng quyền truy cập vào các dịch vụ.
Tiền điện tử là lĩnh vực rất hấp dẫn đối với các nhóm tội phạm do tính chất giả danh, đặc biệt việc cho phép người dùng gửi tiền ở bất cứ nơi đâu. Đây là một trong những điều khiến các cơ quan tỏ ra lo ngại. Chỉ riêng trong năm 2020, các khoản tiền được rửa thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử đã lên tới 2,3 tỷ đô la.
Các công ty trong ngành công nghiệp tiền điện tử đang tích cực triển khai việc tuân thủ theo AML trong bối cảnh các cơ quan quản lý trên toàn thế giới tăng cường áp đặt nhiều quy định hơn đối với ngành. Chính phủ các nước đã và đang tiếp cận ngành công nghiệp tiền điện tử một cách thận trọng, chẳng hạn như Trung Quốc và Hàn Quốc, hai trong số nhiều quốc gia đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc khai thác và trao đổi tiền điện tử.
Hiện nay, một số người cho rằng các quy định về tiền điện tử của AML và KYC có thể tác động tới quyền tự do tài chính, tuy nhiên, đại đa số người dùng tiền điện tử sẽ được hưởng lợi từ các quy định khi các nền tảng tiền điện tử áp dụng mức độ bảo mật cao hơn. Trong bối cảnh tiền điện tử tiếp tục mở rộng và phát triển, AML và KYC ngày càng đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp hoạt động an toàn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh và bảo vệ người dùng khỏi hoạt động bất hợp pháp.