Hiện nay, Web3 đang là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ các nhà đầu tư khi ngày càng nhiều các công ty công nghệ lớn tham gia vào không gian này. Nhưng chính xác thì Web3 là gì và khác gì so với Web2, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết Web2 và Web3 dưới đây!
Nội dung chính
Web 2.0 là gì?
Internet được coi là một trong những phát minh công nghệ đã thay đổi cách vận hành của toàn bộ thế giới, trong đó Web 1.0 là giai đoạn phát triển đầu tiên của Internet ra đời từ những năm 90.
Web 1.0 là một mạng phân phối nội dung (CDN) nơi mọi người có thể đăng tải và cung cấp thông tin cho những người khác, gọi là các trang web. Một hạn chế của Web1 là người dùng chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động và không thể chia sẻ quan điểm, phản hồi hoặc nhận xét của họ.
Web 2.0 là thế hệ thứ hai của Internet nơi mọi người có thể tương tác với nhau. Các trang web đã được phát triển nhắm mục tiêu đến nội dung do người dùng tạo, khả năng tương tác và phát triển như một web mở có nhiều người tham gia.
Trong thời kỳ Web 2.0, nhiều thuật ngữ đã và đang trở nên cực kỳ phổ biển, như mạng xã hội, blog và phát trực tuyến video. Tại đây, mọi người có thể dễ dàng trao đổi hình ảnh, văn bản, âm nhạc và video clip. Giai đoạn này cũng là thời điểm mà Wiki, Youtube, Facebook, Flickr,… ra đời. Bên cạnh đó, việc viết blog cũng được triển khai triệt để với WordPress.
Theo đó, các trang web như Amazon cho phép người dùng có thể viết đánh giá vào các sản phẩm được liệt kê trên trang web. Wikipedia cũng cho phép người dùng thay đổi các mục trong trang web tương tự như một cuốn bách khoa toàn thư. Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter cho phép mọi người dễ dàng tương tác với nhau.
Web 3.0 là gì?
Web 3.0 là thế hệ thứ ba của Internet tập trung vào việc phân cấp các quy trình và loại bỏ sự kiểm soát đến từ một bên duy nhất. Ngoài ra, Web 3.0 sử dụng công nghệ mã hóa và sổ cái phân tán để giải quyết các vấn đề về độ tin cậy của Web 2.0.
Với Web 3.0, các trang web và ứng dụng sẽ có thể xử lý thông tin theo cách thông minh giống như con người thông qua các công nghệ như học máy (ML), Big Data, công nghệ sổ cái phi tập trung (DLT), v.v. Web 3.0 ban đầu được gọi là Semantic Web bởi nhà phát minh World Wide Web Tim Berners-Lee phát triển nhằm mục đích biến Internet trở thành một mạng mở, thông minh và tự chủ hơn.
Vì các mạng Web 3.0 sẽ hoạt động thông qua các giao thức phi tập trung – nền tảng của công nghệ blockchain và tiền điện tử, nên mối quan hệ giữa 3 lĩnh vực này là vô cùng chặt chẽ. Chúng sẽ có thể tương tác, tích hợp liền mạch và tự động thông qua các hợp đồng thông minh, đồng thời được sử dụng để lưu trữ và chia sẻ tệp dữ liệu P2P với các ứng dụng như Filecoin. Web 3.0 là sự kết hợp của các công cụ web thế hệ cũ với các công nghệ tiên tiến như AI và blockchain.
Sự khác nhau giữa Web2 và Web3
Các thuật ngữ Web2 và Web3 là những khái niệm tương đối mới được sử dụng trong công nghệ blockchain. Blockchain đề cập đến công nghệ lưu trữ và chia sẻ thông tin kỹ thuật số trên mạng ngang hàng (P2P) của các máy chủ.
Những người có quyền truy cập vào một chuỗi khối không thể thay đổi hoặc xóa bất kỳ dữ liệu hiện có nào, nhưng họ có thể xem, sử dụng dữ liệu hiện có hoặc thêm dữ liệu mới. Hai công nghệ blockchain chính là tiền điện tử và NFT.
Các công ty Web3 đã sử dụng thuật ngữ “web2” để mô tả các công nghệ dựa trên xã hội, tập trung như những công nghệ được kiểm soát bởi Big Tech hoặc “FAANG”: Facebook (được đổi tên thành Meta vào cuối năm 2021), Apple, Amazon, Netflix và Google.
Mặt khác, Web3 mô tả các công nghệ blockchain mã nguồn mở phân quyền dữ liệu. Theo đó, công nghệ này sẽ loại bỏ quyền lực đang bị chi phối bởi Big Tech, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện đổi mới và cho phép người dùng kiểm soát thông tin và các tương tác trực tuyến của họ.
Sự khác biệt chính giữa web2 và web3 là quyền sở hữu dữ liệu. Ví dụ: nếu bạn muốn xây dựng một ứng dụng dựa trên dữ liệu hoặc cơ sở hạ tầng của nền tảng web2 đã tồn tại, bạn cần có sự cho phép của chủ sở hữu. Tuy nhiên, Web3 cung cấp các tính năng không cần phải cấp quyền và có thể kết hợp như hợp đồng thông minh, tạo cơ hội cho việc tương tác và xây dựng cho người dùng.
Web3 thường được đề cập cùng với metaverse, nhưng hầu hết các metaverse ngày nay vẫn hoạt động dựa trên web2 vì chúng thiếu cơ sở hạ tầng tương thích cho phép mọi người sở hữu các mặt hàng ảo.
Lợi ích của web3 so với web2
Lợi ích của web3 so với web2 là việc nắm quyền kiểm soát tốt hơn đối với người dùng và ít bị các công ty giám sát hơn. Khi người dùng sở hữu dữ liệu, họ có thể chia sẻ hoặc giữ dữ liệu ở chế độ riêng tư như họ muốn.
Ví dụ: trong tương lai, các nghệ sĩ có danh mục nghệ thuật kỹ thuật số có thể sử dụng hợp đồng thông minh và NFT để cắt bỏ những người trung gian khi bán tác phẩm và kết nối trực tiếp với chủ sở hữu tác phẩm của họ.
Ngoài ra, vì sức mạnh tính toán không được tập trung ở một nơi, công nghệ web3 có thể sẽ ổn định và dễ truy cập hơn so với công nghệ web2. Tuy nhiên, web3 có khả năng sẽ hoạt động chậm hơn so với web2, vì mọi giao dịch sẽ phải được xử lý thông qua toàn bộ mạng P2P.
Web3 vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, vì vậy cần nhiều thời gian để công nghệ này có thể mở rộng và được áp dụng triệt để. Đừng quên theo dõi VB Capital để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích khác nhé!